home242

Luận văn Thạc sĩ

Trần Hà Nam

Đề tài: ĐÀO TẤN VỚI VỞ TUỒNG TRẦM HƯƠNG CÁC

Người thực hiện: TRẦN HÀ NAM

Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM

Người hướng dẫn: PGS.TS Nguyễn Đăng Na

Bảo vệ tại hội đồng chấm luận văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Ngày 23 tháng 10 năm 2008

Kết quả: xuất sắc

Điểm số: 10/10

Tóm tắt luận văn:

MỞ ĐẦU:

1.Lí do chọn đề tài      

Nói đến tên tuổi Đào Tấn (1845 - 1907), người Bình Định đều cảm thấy tự hào vì quê hương đã sinh ra vị hậu tổ hát bội, người đã vinh danh nghệ thuật sân khấu tuồng với nhiều cách tân và sáng tạo. Trên con đường bảo tồn và phát huy vốn văn hoá dân tộc, việc tìm hiểu các vở tuồng cổ, trong đó có tuồng Đào Tấn, đang được nhiều người quan tâm. Tuồng Đào Tấn là kho tư liệu quí báu không chỉ ở giá trị nội dung mới mẻ mà còn ở giá trị nghệ thuật mẫu mực. Nhiều vở tuồng của ông đã được khai thác, phục dựng và hấp dẫn lớp công chúng hiện nay. Trong đó, Trầm Hương các (Gác Trầm Hương) luôn được các nhà nghiên cứu, những người yêu tuồng đánh giá cao vì tính cách tân táo bạo trong nội dung và nghệ thuật, sức sáng tạo dồi dào mang dấu ấn tư tưởng Đào Tấn rõ nét. Nghiên cứu về Đào Tấn và vở tuồng Trầm Hương các là việc làm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Hơn nữa, nhiều công trình nghiên cứu trước đây tuy đã đề cập đến một số phương diện nội dung cũng như nghệ thuật của kịch bản tuồng Trầm Hương các nhưng nhìn chung còn tản mạn, chưa thành một chuyên luận riêng. Chúng tôi tiến hành công việc này nhằm tạo một góc nhìn tương đối hoàn chỉnh về tác giả và vở tuồng đặc sắc này của ông. 

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Luận văn tập trung nghiên cứu cuộc đời Đào Tấn và kịch bản tuồng Trầm Hương các ở ba vấn đề trọng tâm: khái quát về cuộc đời và sự nghiệp tuồng của Đào Tấn; những nét đặc sắc nổi bật về nội dung và những nét đặc sắc nổi bật về nghệ thuật của Trầm Hương các.

Tài liệu để chúng tôi sử dụng chủ yếu là công trình Đào Tấn, tuồng hát bội của Vũ Ngọc Liễn.

3. Mục đích

Luận văn giới thiệu tổng quan về cuộc đời, sự nghiệp hát bội của Đào Tấn, cung cấp những thông tin tổng hợp và bổ sung thêm những hiểu biết về tác giả. Đồng thời giới thiệu những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong Trầm hương các, một trong những vở tuồng tiêu biểu nhất của ông.

4. Cơ sở khoa học và thực tiễn của đề tài

Hơn 30 năm nay, việc nghiên cứu về con người và sự nghiệp của Đào Tấn đã thu hút sự quan tâm của các nhà phê bình lý luận văn học và sân khấu. Các nhà nghiên cứu đã có những tìm hiểu khái quát về con người, sự nghiệp của Đào Tấn, từ những góc nhìn khác nhau nhưng đều thống nhất đánh giá cao vai trò của Đào Tấn trong việc nâng cao giá trị nghệ thuật hát bội. Bên cạnh đó, một số vở tuồng tiêu biểu của Đào Tấn cũng đã được nghiên cứu phục hồi và công diễn, trong đó có vở Trầm Hương các. Đó là cơ sở để chúng tôi giải quyết đề tài.

5. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp chúng tôi dùng để triển khai đề tài là phân tích văn bản, tổng hợp và giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học. Ngoài ra còn sử dụng phương pháp thống kê, so sánh.

6. Đóng góp của đề tài

Đề tài của chúng tôi đóng góp một cái nhìn khái quát về Đào Tấn với sự nghiệp phát triển, cách tân tuồng. Chúng tôi cũng có những điều chỉnh, bổ sung  về cuộc đời, gia đình và sự nghiệp tuồng của Đào Tấn trên cơ sở những tư liệu mới. Đồng thời, trọng tâm của đề tài này là hệ thống hoá những giá trị nội dung và nghệ thuật của kịch bản tuồng Trầm Hương các.

7. Vài nét về lịch sử nghiên cứu Trầm Hương các    

Đến nay, chưa có hẳn một công trình nào nghiên cứu độc lập về kịch bản Trầm Hương các. Chúng tôi đã tập hợp một số bài viết, ý kiến quan trọng trong quá trình tìm hiểu đề tài có đề cập đến Trầm Hương các, bao gồm: - Trầm Hương các, cái mô hình cung cấm nước ta dưới thời Pháp thuộc của Hà Văn Cầu; Thân thế và sự nghiệp nghệ thuật tuồng Đào Tấn của Mịch Quang; Thử tìm hiểu Đào Tấn qua một số kịch bản tuồng tiêu biểu của Trần Văn Thận; Từ cuộc đời nghệ thuật tuồng Đào Tấn của Vũ Ngọc Liễn ; Phần V: Một tác gia tiêu biểu – Đào Tấn (Nghệ thuật tuồng, nhận thức từ một phía) của Tất Thắng . Ngoài ra, còn một số ý kiến đánh giá về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật của Trầm Hương các của các tác giả Xuân Diệu, Quách Tấn, Hồ Đắc Bích, Hoàng Châu Kí…

Tác giả Hà Văn Cầu giới thiệu một cách khái quát về vở tuồng với nhan đề Trầm Hương các, cái mô hình cung cấm nước ta dưới thời Pháp thuộc. Bài viết đã khái quát “Trầm Hương các đến với chúng ta như một trạng thái tâm hồn của tác giả, nhưng cũng là trí tuệ sâu sắc, vừa yêu đời thiết tha vừa rung động người xem, lại vừa thức tỉnh người xem”.[15,169]. Những gợi ý ban đầu này còn sơ lược, tuy nhiên, đây cũng là những định hướng giúp người viết luận văn khai thác sâu hơn cho đề tài của mình.

Giới thiệu về Thân thế và sự nghiệp Tuồng của Đào Tấn, tác giả Mịch Quang cho rằng : “Đến tuồng Trầm Hương các, tuy có ngụ ý phê phán Thành Thái dâm dật, nhưng ngụ ý chính vẫn là “đốt sạch lũ Hồ Li”. Bài viết nhấn mạnh vai Đát Kỉ  trong Trầm Hương các, “ông đã cố phân biệt thật rõ Đát Kỉ, cô gái ngây thơ vô tội trước khi bị Hồ Li nhập hồn, với Đát Kỉ sau này, xác Đát Kỉ mà hồn Hồ Li”. Đó là một lưu ý tinh tế.

Tác giả Trần Văn Thận quan tâm đến sự phát triển tư tưởng Đào Tấn qua các vở tuồng tiêu biểu, trong đó có Trầm Hương các. Đáng chú ý là hướng tìm hiểu chủ đề của Trầm Hương các theo hướng sáng tác dùng lối biểu tượng hai mặt.

Chuyên luận của Tất Thắng quan tâm đến phương diện kịch bản văn học của các tác phẩm Đào Tấn. Trong đó, chú ý đến bút pháp tả thực của Đào Tấn xung quanh nhân vật Trụ Vương, Theo chúng tôi, những nhận định này chưa thật rõ dụng ý xây dựng hình tượng Trụ vương của Đào Tấn và chưa chỉ ra hết tư tưởng của cụ Đào qua việc diễn tả cơn giận của Nữ Oa trong lớp diễn nổi tiếng này.

Vũ Ngọc Liễn phân tích vào một số nét nổi bật về phương diện nghệ thuật trong kịch bản Trầm Hương các, nhấn mạnh vào các phương diện bố cục, về xây dựng nhân vật kịch và ngôn ngữ kịch. Tác giả cho rằng “Trầm Hương các là tiếng cười trào nước mắt” và phân tích một cách sắc sảo bố cục “lột vỏ cây chuối” của kịch bản chứng minh cho luận điểm: “Điệu thức cơ bản của Trầm Hương các sản sinh từ mục tiêu sáng tác bóc trần cái hiện thực cuộc sống sa đoạ, lại là sự sa đoạ của một vị thiên tử”. Chúng tôi tiếp thu hướng phân tích này để hệ thống hoá đầy đủ hơn về nghệ thuật của Trầm Hương các.

Ở các bài viết khác cũng có những phân tích ngắn về một vài biểu hiện nổi bật về phương diện nội dung, nghệ thuật của Trầm Hương các. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định Trầm Hương các là một trong những kịch bản hay nhất của Đào Tấn.

8. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn gồm ba chương:

Chương 1: Đào Tấn - con người và sự nghiệp

Chương 2: Giá trị nội dung vở tuồng Trầm Hương các.

Chương 3: Giá trị nghệ thuật vở tuồng Trầm Hương các

CHƯƠNG 1

ĐÀO TẤN - CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP

1. 1. Con người và quê hương của Đào Tấn

1.1.1. Con người

Đào Đăng Tấn, sau đổi là Đào Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang và Mộng Mai, biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng hoặc Mai Tăng, sinh ngày 06.04.1845 (Ất Tị), tại thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay thuộc thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), mất  ngày 23 tháng 8 năm 1907. Sinh thời, Đào Tấn làm thơ, viết từ khúc và soạn tuồng hát bội. Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp tuồng. Đào Tấn đã đậu cử nhân thứ 8 khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định, dưới triều vua Tự Đức. Mãi đến bốn năm sau (1871) khi vua Tự Đức cho soát xét lại những người chưa đỗ đạt, Đào Tấn mới được triệu về kinh thành Huế nhận một chức nhỏ trong ban Hiệu thư. Ông làm quan từ đời Tự Đức đến đời Thành Thái (1871 - 1904), kinh qua các chức vụ Tham biện, Phủ doãn, ba lần tổng đốc, bốn lần thượng thư, hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử. Đào Tấn là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quí.

Luận văn tập trung phân tích những mâu thuẫn trong thời đại gắn với nhận thức về con đường làm quan của Đào Tấn. Quá trình ấy gắn với thái độ Đào Tấn trước thời cuộc. Luận văn tìm hiểu mối quan hệ giữa Đào Tấn với Tự Đức, với phong trào Cần Vương, với các vua Đồng Khánh, Thành Thái. Từ đó đi đến nhận định: Tâm trạng Đào công cũng là tâm trạng của thế hệ nhà Nho cuối cùng phụng sự cho triều Nguyễn, cảm nhận rõ sự cáo chung của một hệ tư tưởng trước sự xâm lăng của chủ nghĩa thực dân, nhưng vẫn gắng giữ vẹn phẩm giá kẻ sĩ. 

1.1.2. Quê hương

Luận văn tìm hiểu mối quan hệ của Đào Tấn với quê hương. Tâm trạng Đào Tấn trong giai đoạn bỏ quan về quê, chứng kiến những biến động thời đại. Tâm trạng muốn quay về vườn cũ cứ thấp thoáng trong nhiều bài thơ của ông và cả trong nhiều vở tuồng.

1.2. Gia tộc Đào Tấn

Luận văn nêu những tư liệu bổ sung về gia đình Đào Tấn. Từ đó tìm hiểu vào mối quan hệ giữa ông Đào với gia đình, nhấn mạnh ý thức giữ gìn nền nếp gia phong. Cả gia đình Đào Tấn có thể nói là tiêu biểu cho dòng dõi khoa bảng nhưng cũng đầy chất nghệ sĩ.

Nhìn chung, Đào Tấn làm một ông quan to, nhưng sự nghiệp của ông lại không ở việc làm quan mà gắn liền với nghệ thuật hát bội. Bởi lẽ, phần lớn cuộc đời làm quan của ông đáng chú ý nhất vẫn là những công việc gắn với nghệ thuật hát bội, đưa bộ môn nghệ thuật này lên đến đỉnh cao rực rỡ nhất.

1.3. Sự nghiệp hát bội

1.3.1. Các kịch bản tuồng

Đào Tấn có hàng chục vở tuồng soạn thảo và chỉnh lý có giá trị.

1.3.2. Văn tuồng của Đào Tấn

 Sức hấp dẫn trong văn tuồng Đào Tấn ở chỗ:

- Gắn với những vấn đề mang ý nghĩa thời sự của đất nước, mặt khác lại mở ra hướng tiếp cận cuộc sống hiện thực với những quan niệm gần gũi với nhân dân, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng.

- Văn tuồng hiện đại, phá vỡ khuôn mẫu ước lệ công thức trong kết cấu kịch bản cũng như mang lại tính sinh động cho vở diễn. Tính bi kịch của tuồng cổ được xử lý mềm mại tinh tế, đan xen cả yếu tố hài kịch, nâng lên thành cái hài tư tưởng. Đào Tấn chú trọng xây dựng tính cách nhân vật, thổi hồn vào trong những nhân vật, tạo thành những hình tượng bất hủ.

- Tính tự sự - trữ tình, chất thơ trong từng kịch bản tuồng.

1.3.3. Đào Tấn qua các vở tuồng

Tuồng phản chiếu khá đầy đủ diện mạo tâm hồn Đào Tấn, cũng như đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời tác giả. Vở tuồng đầu tiên Tân Dã đồn (1864) chưa thật sự mang dấu ấn phong cách riêng độc đáo, mà chỉ có giá trị mở đầu cho nghiệp tuồng suốt cuộc đời ông.

 Tài năng của Đào Tấn về lĩnh vực tuồng hát bội chỉ thật sự có điều kiện mài giũa, khi ông chính thức được bổ làm chức quan trong ban Hiệu thư, soạn tuồng do nhà vua chỉ định. Soạn những vở như vậy, tất yếu Đào Tấn không có đất để thể hiện cái tôi cá tính nghệ sĩ của mình, nhưng bù lại đó là khoảng thời gian ông trau dồi được vốn ngôn từ bác học, trau chuốt lời văn tuồng bóng bẩy, giàu tính ước lệ uyên bác và nghiêm ngặt trong từng ý từng câu.

Từ 1898 – 1902 Đào Tấn soạn Cổ thành hội (còn gọi là Quan Công quá quan), Trầm Hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hộ sanh đàn. Đây chính là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp tuồng Đào Tấn.

Quan niệm Đào Tấn đã thể hiện qua đôi câu đối ông viết ở “Học bộ đình”:

Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ

Sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân.

(Trời chẳng cho nhàn vào bận rộn này tìm chút rảnh.

Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân).

Câu đối trên đã cho thấy một Đào Tấn ý thức rất rõ vai trò của nghệ thuật hát bội trong mối liên hệ với cuộc sống. Ông muốn thông qua nghệ thuật hát bội để nói lên nỗi niềm truớc thời cuộc của chính mình, đồng thời cũng nhận thấy giá trị di dưỡng tinh thần cao quí của bộ môn nghệ thuật này.

1.4. Vài nét về vở tuồng Trầm Hương các

1.4.1. Số lượng nhân vật

 Trầm Hương các có trên 20 nhân vật

Riêng nhân vật Đát Kỉ phân cho ba vai: Đát Kỉ thật, Đát Kỉ Hồ Li và hồn Đát Kỉ. Đây là nhân vật đặc biệt trong vở tuồng, vì có những nét tính cách đối nghịch, những trạng thái khác nhau, nhưng chỉ do một người diễn, nên có sự xung đột tính cách cũng như số phận, tạo được nhiều hiệu quả tác động .

Nhóm nhân vật siêu nhiên, gồm có Nữ Oa, Vân Trung Tử, Phật, Địa Tạng, Hồ Li, quần yêu. Vở tuồng tập hợp đông đảo nhất các nhân vật có yếu tố huyền ảo.

Các nhân vật còn lại có nét giống các vở tuồng cổ khác ở tính chất quan hệ: Trụ vương (vua) Đát Kỉ (quí phi, hoàng hậu), Tô Hộ (chư hầu), Thương Dung, Hoàng Phi Hổ, bá quan, nội thị (bề tôi). Theo quan hệ cha con có Tô Hộ - Đát Kỉ. Nhưng quan hệ ấy không đẩy vở tuồng theo tư tưởng “trung hiếu” như tuồng cổ.

1.4.2. Phân chia hồi, lớp

Vở tuồng có 16 lớp. Mỗi lớp diễn đều thể hiện rõ sự trung thành với nguyên tác ở những sự kiện chính, những nhân vật trung tâm. Tuy nhiên có những sáng tạo riêng của Đào Tấn như sự xuất hiện của Địa tạng và Phật tổ, những tiết giảm chi tiết để hướng vào trọng tâm tư tưởng của tác giả. Việc sắp xếp các lớp cũng cho thấy kịch tính khẩn trương và xung đột giàu kịch tính.

1.4.3. Nội dung chính

 Trầm Hương các gắn liền với tích truyện trong Phong thần diễn nghĩa, có điều chỉnh của Đào Tấn: Thương Dung là “thủ tướng” trong nội các của Trụ vương, nhân ngày thánh đán Nữ Oa nương nương, thỉnh Trụ vương đi tế miếu Nữ Oa cùng văn võ bá quan. Đến nơi, do nhìn thấy tượng gỗ bằng trầm hương của Nữ Oa sống động như thật, Trụ vương nổi lòng dâm tà, buông lời bất kính và đề thơ khinh mạn. Nữ Oa nổi trận lôi đình, triệu tập bọn yêu tinh và giao cho Hồ Li thực hiện kế trả thù . Hồ Li vâng mệnh xuống Triều ca, giữa đường đoạt xác Đát Kỉ, con gái của Kí châu hầu Tô Hộ đang trên đường tiến kinh. Hồn Đát Kỉ được Địa  tạng rước về Tây phương gặp Phật tổ. Đát Kỉ Hồ Li vào cung, mê hoặc Trụ vương. Vân Trung Tử là vị tiên ở Chung Nam sơn, thấy yêu khí ngùn ngụt bốc lên từ Triều ca, liền tìm gặp Trụ vương dâng kiếm thiêng bằng cành tùng treo ở cung Thọ tiên để trừ yêu quái. Hồ Li Đát Kỉ gặp gươm thiêng, khiếp sợ sinh bệnh. Trụ vương mê muội nghe lời Đát Kỉ, đốt gươm thiêng. Từ đó, triều đình hỗn loạn, Đát Kỉ được làm hoàng hậu, chế bào lạc, lập Lộc đài. Các trung thần như Hoàng Phi Hổ, Thương Dung chỉ còn biết than thở vì không can ngăn được Trụ vương. Nhân khánh thành Lộc đài, Đát Kỉ vời đám con cháu Hồ Li giả làm tiên dự yến. Thương Dung chứng kiến cảnh yêu quái hoành hành hậu cung, mật báo với Hoàng Phi Hổ. Bọn yêu quái say núp vào mả, bị Hoàng Phi Hổ cho lính bao vây, châm lửa đốt chết sạch.

TIỂU KẾT: Qua tìm hiểu về con người và sự nghiệp tuồng hát bội của Đào Tấn, chúng ta có thể nhìn thấy chân dung của một kẻ sĩ đầy nỗi niềm trước thời cuộc. Đào Tấn đã mượn tuồng thể hiện quan niệm sống, quan niệm nghệ thuật, tâm sự với nước non. Hát bội thể hiện rõ một nhân cách và phần nào những ước mơ, trăn trở của Đào Tấn về vận nước, chứa đựng những xung đột của cả một thế hệ trong hoàn cảnh mất nước.Đó là hiện hữu của một nhân cách cao quí đáng được trân trọng.

CHƯƠNG 2

GIÁ TRỊ NỘI DUNG CỦA VỞ TUỒNG

TRẦM HƯƠNG CÁC

2.1. Nguồn gốc vở tuồng Trầm Hương các

Đào Tấn khai thác vào phần đầu của tác phẩm Phong Thần diễn nghĩa của Hứa Trọng Lâm, tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa thời Minh

Câu chuyện của Hứa Trọng Lâm chỉ là sự miêu tả quá trình suy vong của cơ nghiệp Thành Thang đến đời Trụ vương, trong hệ thống tiểu thuyết chương hồi về đề tài lịch sử và chí quái. Còn Trầm Hương các mượn lịch sử Trung Hoa để phản ánh chính triều đại nhà Nguyễn đương thời, đưa ra lời cảnh tỉnh của bậc thức giả về việc trị quốc. Thực chất là giữ nghiêm kỉ cương, thể thống của vua trước dân để mưu đồ nghiệp lớn!

2.2. Sự thay đổi chủ đề tư tưởng trong vở tuồng

2.2.1. Thay đổi quan niệm truyền thống về chủ đề “quân - quốc”

Tuồng truyền thống, có mô-tip quen thuộc là “vua băng, nịnh thoán, bà thứ mắc nạn, ông trạng bị vây, chém nịnh định đô, tôn vương tức vị”.Trong Trầm Hương các vẫn có nguyên vẹn triều đình, bá quan, bà thứ…nghĩa là còn nguyên vẹn cái khung tuồng cổ. Nhưng toàn bộ tinh thần mà các nhà nghiên cứu gọi là chủ đề quân - quốc đã bị đảo lộn. Tinh thần Trầm Hương các vẫn là đề cao lễ giáo, nhưng không phải hướng tới bảo cố ngai vàng, vóc ngọc một cách thuần túy mà điều mong mỏi lớn hơn là giữ gìn cho sự nghiệp tiên vương gầy dựng khỏi sụp đổ.

2.2.2. Nỗi trăn trở của kẻ sĩ trước thời cuộc

Đào Tấn dứt khoát đứng về phía chính nghĩa để tiêu diệt những thế lực gian tà. Đó là nghĩa khí của Đào Tấn, tuân thủ theo truyền thống kết thúc có hậu của tuồng cổ, phù hợp với tâm lý quần chúng, dù cho niềm tin chính nghĩa thắng gian tà chỉ còn là một thắng lợi nhỏ nhoi có tính chất an ủi, ngậm ngùi nhiều hơn là tươi vui xán lạn!

2.2.3. Tiếng nói nhân văn trong vở tuồng

Tinh thần nhân bản, thái độ quan tâm đến con người của ông Đào được bộc lộ thông qua nhân vật Đát Kỉ, nạn nhân của những toan tính thay ngôi hoán chúa.

Từ phương diện “thế thái nhân tình”, ông đã khiến người đọc thấm thía hơn tình cảm gia đình, tấm lòng chí hiếu, nỗi đau của kẻ xa quê, cái mong manh của phận người trước cuộc đời đầy sóng gió.

2.3. Nội dung chính của Trầm Hương các

2.3.1. Bức tranh hiện thực về đời sống cung đình

Bức tranh triều đình nhà Thương trong tác phẩm không còn là cái triều đình ước lệ của tuồng cổ mà là hình ảnh mô phỏng hiện thực triều đình nhà Nguyễn thời Pháp thuộc.

Trầm Hương các mượn chiếc áo chuyện ma quỉ thần tiên để ám chỉ vào chính xã hội mà ông đang sống. Bức tranh hiện thực xã hội ấy bó hẹp trong phạm vi cung cấm, nhưng đã tạo được những liên tưởng gần về thời đại qua các lớp kịch, trong từng nhân vật mà Đào Tấn dường như cũng có một vai trong vở diễn thời đại này!

Đào Tấn không chỉ nhắm đến một đối tượng là Thành Thái mà dường như ông đã huy động những gì tai nghe mắt thấy về vương triều nhà Nguyễn để lồng vào nội dung vở tuồng.

2.3.2. Các nhân vật trong vở tuồng

Các nhân vật đóng vai trò trung tâm có tính đa diện, phức hợp.

Thương Dung: Thương Dung là hình mẫu của đấng trung thần “bạch phát đơn tâm”  (tóc bạc lòng son) dốc lòng giữ gìn cương kỉ.

Toàn bộ vở Trầm Hương các, Thương Dung xuất hiện chủ yếu ở phần đầu và phần cuối của tác phẩm. Nếu ở phần đầu, ông ta xuất hiện mờ nhạt và yếu ớt trong hành động ngăn cản Trụ vương mạo phạm thần linh thì ở phần sau, ông ta phải dựa vào Hoàng Phi Hổ lập lại kỉ cương triều chính. Hoàn toàn không có một hành động nào chứng tỏ Thương Dung có vai trò tác động đến Trụ vương.

Trụ vương: Thể hiện nhân vật Trụ vương trong vở tuồng này, Đào Tấn cắt nghĩa cho một quá trình từ một minh quân thành một hôn quân. Trụ vương ngạo mạn trước thánh thần, vứt bỏ lễ nghi triều điển để thoả mãn dục vọng tầm thường, bỏ mặc triều chính, đắm mê nữ sắc. Tất cả hành vi của vua Trụ đều không tương xứng với tư cách của đấng quân vương. Đào Tấn chỉ ra nguyên nhân của thảm hoạ diệt vong từ chính sự buông thả của người đứng đầu.

Nữ Oa: Vai trò Nữ Oa thể hiện trọn vẹn trong lớp Nữ Oa triệu Hồ Li. Cơn giận của Nữ Oa xuất phát từ ý thức về địa vị tôn quí của mình bị mạo phạm. Đây chính là lớp tuồng cho ta hiểu ý nghĩa giáo huấn sâu xa của tiêu đề Trầm Hương các, gắn với dụng ý răn đe cảnh tỉnh của Đào Tấn.

Hồ Li: Hồ Li có vai trò thực thi mệnh lệnh truyền từ “gác Trầm Hương” của Nữ Oa để làm sụp đổ nhà Thương, giúp Nữ Oa hả giận. Sự hoán đổi này xảy ra ở lớp Đổi hồn Đát Kỉ.

Đát Kỉ thật là cô gái liễu yếu đào tơ, tấm lòng thuần hậu trong trắng còn Hồ Li tinh thì hung tàn xảo quyệt. Đào Tấn luôn lưu ý cho khán giả phân định rõ Đát Kỉ thật - giả nên đã dựng xen kẽ  hai tính cách đối nghịch cho cùng một diễn viên.

 Đát Kỉ (thật): Xung quanh sự kiện Kí Châu hầu Tô Hộ tiến dẫn con gái Đát Kỉ vào cung, dường như ta thấy có liên quan mật thiết với chính tác giả Đào Tấn, khi phải “phụng chỉ lai kinh” làm quan dưới thời Đồng Khánh.

Đào Tấn đã bộc lộ nỗi lòng thương xót thật sự dành cho người con gái nhà lành Đát Kỉ bị thế mạng oan uổng. Chính vì lẽ đó, ông đã chọn giải pháp sáng tạo để cứu khổ cứu nạn cho Đát Kỉ về cõi Niết Bàn của nhà Phật.Đào Tấn cũng muốn gửi gắm chút niềm tâm sự của chính ông cũng như lòng cảm thương cho con người - nạn nhân của cơn thịnh nộ Nữ Oa qua Đát Kỉ.

Vân Trung Tử: Đào Tấn đã mượn Vân Trung Tử để nói lên lòng dân không thuận với triều đình, nhưng cũng qua Vân Trung Tử để nói lên ý nghĩa hành động là “việc quốc dân”, là “nghĩa” phải làm khi vận nước nguy nan. Vân Trung Tử là nhân vật đại diện cho nguyện vọng của nhân dân nhưng cũng là hình tượng thể hiện nỗi thất vọng lớn của nhân dân khi niềm tin bị bán đứng bởi chính quân vương, để mặc cho yêu mị hoành hành, làm tan nát triều chính!

Phật và Địa tạng: Sự xuất hiện của Phật và Địa Tạng cũng cắt nghĩa cho nỗi lòng Đào Tấn với quê hương, gia đình và cả những nỗi niềm với thời cuộc của ông.

Hoàng Phi Hổ: Hoàng Phi Hổ trong Trầm Hương các là hình ảnh trung thần theo tinh thần Mạnh Tử: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, một lòng lo toan cho vận mệnh quốc gia, nhưng chưa vượt qua bổn phận lương tướng phục mệnh vua!

2.4. Nỗi lòng của Đào Tấn qua vở Tuồng

2.4.1. Nhận thức về chặng đường làm quan

Từ nhận thức đến hành động của Đào Tấn đã cho thấy rõ dũng khí của một kẻ sĩ trong hoàn cảnh phải nhẫn nhịn nhìn quỉ dữ hoành hành chốn hoàng cung.

2.4.2 Những mâu thuẫn trong tâm hồn Đào Tấn

Sự lung lay của tư tưởng trung quân đã điểm trong vở tuồng này, khi vua không còn là thánh chúa mà trở thành đối tượng phê phán, thành nhân vật phản diện. Ít nhiều bổn phận kẻ sĩ trong ràng buộc “cương thường” khiến Đào Tấn không thể dứt bỏ chí trung quân. Nhưng lòng trung đã tổn thương nghiêm trọng: chữ trung đối lập chữ hiếu, chữ trung hướng về vận nước.

2.4.3. Nỗi đắng cay  trước thời cuộc

Đào Tấn nhận ra sự sụp đổ không thể cứu vãn của vương triều mình đang phụng sự, nhưng con đường thay đổi như thế nào, bản thân ông không thể chỉ ra. Đào Tấn đã gửi gắm những đắng cay thế sự, trong mong ước lánh thân vào cõi Phật nhưng lòng còn đau đáu khôn nguôi cho hoàn cảnh làm quan bất đắc dĩ! Nỗi đắng cay rứt gan rứt ruột ấy cũng là nhận thức về hiện thực mịt mù của đất nước, khi quỉ dữ  hoành hành.

TIỂU KẾT: Qua nội dung Trầm Hương các, ta thấy Đào Tấn đã lồng vào câu chuyện liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc, bằng suy tư của một kẻ sĩ đầy trách nhiệm trước thời cuộc. Ý tứ sâu xa của Trầm Hương các bộc lộ qua từng lớp diễn, ở đó là những phát biểu của Đào Tấn gắn quan niệm vượt ra khỏi chủ nghĩa trung quân hẹp hòi. Không những thế còn kết hợp tinh thần nho sĩ với tinh thần nhân bản đạo phật, tâm tư Đào Tấn cũng là suy nghĩ tình cảm của nhân dân. Ông Đào đã khắc hoạ chân dung những hạng người trong một thời đại đảo điên hỗn loạn, dụng ý sâu xa là lời cảnh báo về nguy cơ mất nước vĩnh viễn.

CHƯƠNG 3

GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA VỞ TUỒNG 

TRẦM HƯƠNG CÁC

3.1. Kết cấu hồi, lớp trong kịch bản của Trầm Hương các

Trong một hồi ngắn gọn, ở mỗi lớp tuồng các nhân vật đều được khắc hoạ tính cách gắn với tình huống cụ thể sinh động, không còn bó theo khuôn khổ chật hẹp của tuồng truyền thống. Kết cấu kịch bản dồn nén những xung đột căng thẳng giữa nhiều thế lực chia phe chính - tà, thiện - ác, thật - giả, vì vậy mà các yếu tố như hình tượng, ngôn từ cũng chịu sự chi phối khá rõ của kết cấu này! Từ kết cấu thay đổi, Đào Tấn cũng làm nên sự biến đổi xung đột kịch, hình tượng nhân vật và các yếu tố kịch bản khác.

3.2. Nghệ thuật xây dựng hình tượng đa diện

Xây dựng tính cách đa diện là nét đặc sắc của Đào Tấn so với cách xây dựng hình tượng nhân vật tuồng truyền thống. Nhân vật trong tuồng truyền thống thường là những tính cách đóng khung: trung, nịnh, chính, tà rõ ràng, còn trong vở tuồng này có sự chuyển hoá tính cách. Chẳng hạn trong các lớp diễn:

3.2.1. Lớp diễn “Trụ vương giỡn tượng”

3.2.2. Lớp diễn Tô Hộ lai kinh

3.2.3. Lớp diễn Hồ Li đoạt xác Đát Kỉ - hồn Đát Kỉ về cõi Phật

3.2.4. Các lớp diễn Đát Kỉ - Trụ vương

3.3. Nghệ thuật xây dựng xung đột kịch

Xung đột hài kịch và xung đột bi kịch trong vở tuồng mang ý nghĩa điển hình cao.

3.3.1. Xung đột bi kịch

Xung đột bi kịch không gay gắt, căng thẳng nhưng thấm vào da diết niềm sầu hận trong những nhân vật chính diện, những nạn nhân đáng thương của một triều đại để cho quỉ dữ nhập hoàng cung, biến vua thành gã hề, một thứ bù nhìn chỉ biết hưởng lạc, uống sâm banh, hút sữa bò. Xâu chuỗi những bi kịch riêng, dụng ý sâu xa của Đào Tấn đã dồn nén thành ý nghĩa bi kịch thời đại : hãy cảnh giác với loài quỉ dữ! 

3.3.2. Xung đột hài kịch

Xung đột hài kịch trong Trầm Hương các thực chất là đỉnh điểm của tấn bi kịch chốn hoàng cung. Đằng sau tiếng cười, Đào Tấn đã để lại những suy ngẫm đau xót về thời thế, nỗi căm uất khi quái khí tràn ngập, đạo lí đảo lộn, bị bỡn cợt. Bởi vậy, thực chất xung đột trong Trầm Hương các là đan xen tấn bi hài kịch của thời đại.

3.4. Nghệ thuật ngôn từ trong vở tuồng

3.4.1. Khảo sát ngôn từ trong Trầm Hương các

Đặc sắc nhất chính là ngôn từ diễn đạt tâm trạng phong phú nhiều cung bậc. Chúng tôi căn cứ vào số lần thoại của các nhân vật (không tính theo số lượng câu nói thường, nói lối và hát) nhằm thấy rõ vai trò trong vở diễn của từng nhân vật và tỷ lệ giữa các lần nói thường, nói lối và hát.

Để làm rõ hơn chất thơ trong ngôn từ của kịch bản Trầm Hương các, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát số lần và hình thức hát (thơ) trong văn bản.

3.4.2. Câu văn xuôi

Trong Trầm Hương các chúng ta cũng thấy nhiều đoạn xử lý rất linh hoạt tính cách nhân vật nhờ những lời hường tạo điểm nhấn trong tính cách nhân vật. Càng về cuối kịch bản, khi mà cái không khí trang nghiêm, kỉ cương không còn nữa thì Đào Tấn cũng tăng cường viết những lớp diễn toàn là lời văn thông thường trong đối đáp các nhân vật.

3.4.3. Câu biền văn (nói lối)

Ngôn từ trong các câu nói lối và hát thể hiện rõ nét nhất sự khác biệt giữa tuồng Đào Tấn với các tác giả đương thời. Các hình thức câu nói lối trong tuồng Đào Tấn phong phú đa dạng và linh hoạt, bám sát đặc điểm hình tượng nhân vật, làm nên sức hấp dẫn trong từng lớp diễn. Nói lối trong đối thoại và độc thoại lại là nét độc đáo khác trong văn tuồng Đào Tấn.

3.4.4. Các câu hát

Những vẻ đẹp tinh tế nhất của thơ Đào Tấn đã chuyển hoá vào trong tâm trạng nhân vật, mỗi lời hát đều rất thấm thía.Chất thơ trong những câu hát còn là sự tiếp thu tinh hoa thi ca dân tộc, vượt ra khỏi xu hướng mượn điển của Trung Hoa mà khai thác từ chính nguồn thi ca dân tộc

3.5. Những cách tân trong kịch bản tuồng

Trầm Hương các ghi dấu ấn sáng tạo độc đáo của Đào Tấn trong kịch bản tuồng, qua cách sáng tạo nhân vật, thể hiện bút pháp tự sự kịch tính trữ tình giàu tính nghệ thuật và kết hợp nhuần nhuyễn hai khuynh hướng văn chương bác học và văn chương bình dân, từ ngôn từ đến diễn đạt, từ tư tưởng đến nghệ thuật.

3.5.1. Phá vỡ kết cấu tuồng truyền thống

Thay đổi kết cấu vở tuồng chính là thay đổi một thói quen, một lối mòn, mở ra hướng sáng tạo mới cho tuồng. Đào Tấn không làm việc minh hoạ tư tưởng gò vào công thức sẵn có như tuồng truyền thống, cũng không phải diễn truyện một cách giản đơn. Những màn diễn phát huy tối đa những xung đột tính cách cũng như sự kiện. Từ kết cấu ấy đã thúc đẩy cho xung đột kịch phát triển. Đó cũng là nét cách tân rõ nét của Trầm Hương các  so với các vở tuồng khác.

 3.5.2. Những sáng tạo táo bạo trong hình tượng

Trước Đào Tấn, trong tuồng truyền thống đã phổ biến những tuồng hát bội về đề tài hoang đường, trong đó thần phật tiên yêu đóng vai trò chính. Riêng trong vở Trầm Hương các này, thần linh cũng chia phe phái, có phân biệt chính tà. Đó là nét mới mẻ độc đáo ở vở tuồng mà không thể thấy ở bất cứ đâu.

Xây dựng hình tượng có sự phát triển tính cách, có nhiều tính cách trong một vai, đó là dấu ấn đặc sắc thể hiện một bản lĩnh nghệ thuật của Đào Tấn.

3.5.3. Nâng tầm nghệ thuật cho ngôn ngữ tuồng

Trong Trầm Hương các, tính chất bác học của văn tuồng thể hiện qua những cách dùng chữ, dùng điển, câu chữ đài các, trang nhã hợp cảnh hợp tình. Còn tính chất bình dân lại được thể hiện qua hàng lớp từ khẩu ngữ, lớp từ địa phương, lột tả tính cách nhân vật rất sắc sảo. Nét độc đáo và tinh tế của Đào Tấn trong ngôn từ thể hiện sự thay đổi hẳn cả một quan niệm về nhân vật.

3.5.4. Nét mới so với các kịch bản tuồng khác của Đào Tấn

Khai thác từ cốt truyện Phong Thần diễn nghĩa của Trung Hoa, Đào Tấn đã viết thành hai vở : Trầm Hương cácvà Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, gắn với những chuyển biến quan trọng trong tư tưởng Đào Tấn.

Bên cạnh đó, có thể thấy Trầm Hương các cũng cùng trong một hệ thống các sáng tác của Đào Tấn rời xa dần đề tài quân quốc, hướng về với hiện thực, mang tính ngụ ý cao.

TIỂU KẾT: Từ kết cấu kịch bản, xây dựng hình tượng, tạo tình huống xung đột cho đến đặc trưng ngôn từ nghệ thuật tuồng trong tác phẩm này, tất cả vừa thể hiện sự trau chuốt mà vẫn rất tự nhiên. Đào Tấn không chỉ tinh thông Hán học mà còn điêu luyện uyển chuyển trong sử dụng văn nôm, tạo nên sự kết dính các yếu tố Hán và Nôm một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với từng diện mạo riêng, tính cách riêng và đặc biệt là chú trọng sự chuyển hoá tính cách của nhân vật.

KẾT LUẬN

1. Đào Tấn mang theo tâm trạng u uất trước thời cuộc, làm một “kẻ ở ẩn tại triều”, lạc lõng giữa chốn quan trường, tóc bạc lòng son không nơi gửi gắm. Qua vở tuồng có thể thấy tư tưởng Đào Tấn đã vượt lên những giới hạn của tư tưởng trung quân, phê phán gián tiếp xã hội đương thời. Đào Tấn hiểu thấu những nguy cơ mất nước, bởi lẽ ông từng trải qua bốn đời vua, chứng kiến những phút cay đắng khi đất nước dần mất vào tay loài bạch quỉ.

Tư tưởng Đào Tấn là tư tưởng của sĩ phu văn thân yêu nước căm uất nhưng bất lực trước thời cuộc. Đào Tấn đã đem tấm lòng một ông quan biết lo cho nước, cho dân vào trong nghệ thuật tuồng hát, bộc bạch tâm sự “ưu thời mẫn thế” của tầng lớp kẻ sĩ có lương tri trước tình cảnh nước mất, đành nhẫn nhục nhưng không đầu hàng thoả hiệp trước hoàn cảnh, hướng tới hành động trừ hại cho dân.

Tư tưởng Đào Tấn gần gũi với tư tưởng của nhân dân trong cái nhìn nhân bản, trong tình yêu thương dành cho con người nạn nhân của các thế lực đen tối. Đào Tấn đã tiếp thu một phần tư tưởng Phật giáo ở khía cạnh nhân bản nhất của nó. Tuy nhiên gốc rễ căn bản trong con người ông vẫn là tư tưởng Nho giáo. Ông không đành lòng gửi hồn về cõi Phật như Đát Kỉ, mà vẫn mong mỏi góp tiếng nói cảnh tỉnh quân vương, hy vọng một ngày quét sạch loài quỉ dữ.

2. Đào Tấn đã gửi gắm nhiều tâm sự trong Trầm Hương các hoà chung nỗi niềm của Thương Dung, Vân Trung Tử, Đát Kỉ thật, Hoàng Phi Hổ. Mỗi hình tượng được ông dành cho nhiều công phu tâm huyết thể hiện cho thấy sự tinh tế, thâm trầm của bậc đại nho và tâm sự ưu thời mẫn thế của Đào Tấn. Tâm hồn Đào Tấn còn là tâm hồn của một con người với tình nghĩa quê hương sâu nặng, biết phải trái rạch ròi, đứng về chính nghĩa.

Đó còn là tâm hồn nghệ sĩ biết cảm thông trước những khát vọng rất người nhưng cũng rất nghiêm khắc cảnh tỉnh những điều vượt qua phép tắc, luật lệ triều đình, đi ngược lại đạo lý nhà nho và đạo lý nhân dân. Sự mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn Mộng Mai tiên sinh chính là ở chỗ: ông nhận thức được vận nước, nhưng trong trọng trách của một đại thần kề cận nhà vua, ông không thể làm gì khác ngoài những lời cảnh tỉnh, mượn tuồng hát gửi gắm tâm tư.

Tâm hồn Đào Tấn qua vở tuồng còn là nỗi lòng đau đáu hướng về quê hương, lo lắng cho vận mệnh dân tộc, có tình cảm yêu nước ẩn sâu trong từng lời hát, trong từng nỗi niềm đoạn trường của người trong cuộc có lương tâm. Đào Tấn lớn vì nhân cách và lớn trong tài năng gắn với nghệ thuật hát bội. Ông dùng tuồng như một vũ khí chiến đấu, tỏ rõ dũng khí đứng về lẽ phải. Đến Đào Tấn, tuồng không còn là công cụ mua vui thoả mãn ý thích cho vua chúa mà đã góp tiếng nói cùng nhân dân phê phán chính sự, giáo hoá nhân tâm theo tinh thần nhân dân, dùng tuồng làm chiếc cầu nối giữa tầng lớp nho sĩ với nhân dân. 

Chính vì lẽ đó, Đào Tấn xứng đáng là vị hậu tổ nghệ thuật hát bội, tạo nên tầm vóc lớn cho tuồng, đem lại cái hay cái đẹp, sức hấp dẫn cho tuồng, nâng tuồng hát bội lên đến đỉnh cao của nghệ thuật kịch hát dân tộc

Trên tinh thần tiếp thu di sản cha ông, khôi phục tinh hoa vốn cổ dân tộc, Trầm Hương các cần được nghiên cứu phục dựng cùng các vở tuồng đặc sắc khác của Đào Tấn, để chúng ta giữ gìn và phát huy được những nét phong cách độc đáo của tuồng Đào Tấn. Hiểu đúng tư tưởng, tâm hồn của Đào Tấn, phát huy vẻ đẹp đặc sắc độc đáo văn tuồng của ông, chúng ta cần có thời gian để nghiên cứu toàn bộ các tác phẩm tuồng của ông một cách toàn diện từ kịch bản cho đến nghệ thuật biểu diễn, giữ nguyên vẹn phong cách tuồng Đào Tấn trên cơ sở chỉnh lý cho phù hợp với thời đại mới. Có như vậy thì mới thật sự làm mới, làm đẹp cho tuồng Đào Tấn./.

Biên soạn: Trần Hà Nam, Cao học K.16 ĐHSP Hà Nội